Quy chế – One NDCSA!
Chuyển đến thanh công cụ

Dự thảo Quy chế Quỹ học bổng CHS THPT Nguyễn Đức Cảnh

DỰ THẢO:

QUY CHẾ QUỸ HỌC BỔNG CHS THPT NGUYỄN ĐỨC CẢNH

 Điều 1. Sự hình thành và ý nghĩa

  1. Quỹ học bổng CHS THPT Nguyễn Đức Cảnh được hình thành sau cuộc vận động “Hướng tới kỷ niệm 30 năm thành lập trường THPT Nguyễn Đức Cảnh – năm 2015”
  2. Là một quỹ phi lợi nhuận, tập hợp các nguồn tài trợ từ các cá nhân và tập thể, với mục tiêu:
  • Xét duyệt và trao các học bổng khuyến học định kỳ (2 lần/năm) cho các học sinh đang học trong trường Nguyễn Đức Cảnh thành phố Thái Bình. Đối tượng được trao học bổng là các HSG có những thành tích học tập xuất sắc, HS nghèo vượt khó (hoàn cảnh gia đình có khó khăn về kinh tế nhưng có ý thức và nghị lực vươn lên trở thành những người con ngoan trò giỏi).
  • Tổ chức các hoạt động hướng về cộng đồng
  • Tổ chức các cuộc thi cho HS, CHS THPT Nguyễn Đức Cảnh, thành viên NDCSA.

Điều 2. Nguồn gây quỹ

  1. Nguồn vốn ban đầu của Quỹ là số tiền còn lại do CHS đóng góp xây dựng Nhà thể chất – Công trình kỷ niệm 30 năm thành lập trường.
  2. Do những người quan tâm đến sự phát triển của học sinh Thái Bình tự nguyện đóng góp, với mong muốn thông qua quỹ “Quỹ NDCSA vì cộng đồng” họ được góp phần giúp đỡ, tạo điều kiện, khuyến khích các học sinh trong diện nhận “Học bổng NDCSA” giảm bớt đi phần nào khó khăn trong cuộc sống vươn lên học tập tốt hơn nữa.
  3. Các nguồn thu được từ các hoạt động gây quỹ của các thành viên trong diễn đàn.

Điều 3. Chủ tịch danh dự của Quỹ

Chủ tịch danh dự của Quỹ là Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Đức Cảnh – TP. Thái Bình.

Điều 4: Ban quản lý/điều hành quỹ

Ban điều hành quỹ là những người được thành viên tín nhiệm bầu lên, tình nguyện tham gia điều hành quỹ, có những đóng góp quan trọng cho quỹ, tham gia điều hành quỹ không vì bất kỳ quyền lợi cá nhân gì. Ban điều hành có nhiệm vụ quản lý mọi hoạt động của quỹ; kết hợp với Ban giám hiệu nhà trường tiến hành xét duyệt và cấp phát học bổng cho học sinh.

  1. Ban điều hành quỹ hoạt động theo nhiệm kỳ 1 năm 1 lần, sau mỗi 1 nhiệm kỳ, các thành viên sẽ tiến hành bầu lại.
  2. Ban điều hành quỹ gồm:
  • Trưởng ban điều hành: phụ trách chung.
  • Tuyên truyền, quảng cáo và vận động tài trợ (3 người): Phụ trách việc tuyên truyền, quảng cáo và vận động tài trợ cho quỹ. Bao gồm các đại diện của quỹ ở miền Nam (thành phố Hồ Chí Minh, Vũng Tàu…), ở miền Bắc (Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh…) và Hội học sinh Nguyễn Đức Cảnh ở tỉnh Thái Bình.
  • Kế toán/ thủ quỹ (3 người) phụ trách thu chi.

Điều 5. Hội đồng thẩm định/xét duyệt học bổng

Hội đồng này có trách nhiệm xét duyệt các hồ sơ, lựa chọn ra những người xứng đáng để trao học bổng. Hội đồng này bao gồm các chủ tịch danh dự, các thành viên trong Ban giám hiệu nhà trường và Ban điều hành quỹ xét duyệt, dựa trên tiêu chí: khách quan, trung thực…

Điều 6. Quy trình xét duyệt học bổng

  1. Đối tượng được trao học bổng
  • Là học sinh trường đang học trong Trung học Nguyễn Đức Cảnh, thành phố Thái Bình.
  • Gia đình có hoàn cảnh khó khăn về kinh tế.
  • Có nghị lực phấn đấu vươn lên trong học tập và cuộc sống, trở thành những người con ngoan trò giỏi.
  1. Hồ sơ đề nghị trao học bổng
  • Giấy giới thiệu của nhà trường.
  • Bảng điểm và hạnh kiểm của kỳ
  • Lý lịch (kèm theo 2 ảnh 3×4, phong bì có ghi địa chỉ gia đình – chỉ yêu cầu khi có khả năng được nhận học bổng).
  1. Quy trình xét duyệt học bổng

Hàng năm sẽ có 2 đợt xét cấp học bổng:

Đợt 1: được tổ chức vào học kỳ I, đối tượng được xét duyệt là những học sinh lớp 11 và 12, học bổng đợt này sẽ được trao vào ngày tổng kết của kì I.

Đợt 2: được tổ chức vào học kỳ II, đối tượng được xét duyệt là những học sinh lớp 10, 11, và 12, học bổng đợt này sẽ được trao vào ngày tổng kết năm.

Quy trình xét cấp học bổng

  • Đầu mỗi học kỳ, Ban điều hành quỹ sẽ thông báo số lượng suất học bổng dự kiến và giá trị các suất học bổng đến Ban giám hiệu nhà trường và công bố thông tin này trên trang web:http://www.ndcsa.com.
  • Ban giám hiệu nhà trường thông báo tới các lớp.
  • Các lớp (Giáo viên chủ nhiệm cùng học sinh trong lớp) họp để đề cử ứng viên.
  • Ban giám hiệu nhà trường kết hợp với Đoàn thanh niên và Bí thư các chi Đoàn lựa chọn ra các ứng viên.
  • Các ứng viên này làm hồ sơ (như mục 6.2) sẽ được Ban giám hiệu nhà trường xem xét và gửi lên hội đồng xét duyệt học bổng trước ngày quy định trong thông báo.
  • Hội đồng xét duyệt học bổng sẽ công bố danh sách ứng viên trên trang web http://www.ndcsa.comđể nhận thông tin phản hồi từ học sinh. Sau đó hội đồng sẽ nghiên cứu hồ sơ, kết hợp thông tin từ các thành viên trong “Hội học sinh Nguyễn Đức Cảnh” đang học trong trường (cộng tác viên) cũng như kiểm tra thực tế từng trường hợp để quyết định những người xứng đáng được trao học bổng này.
  • Ban điều hành quỹ kết hợp với nhà trường sẽ tổ chức trao các học bổng trên vào dịp thích hợp.
  • Học sinh nhận học bổng phải trực tiếp ký nhận trên danh sách (không chấp nhận chữ ký thay thế).
  • Danh sách cấp học bổng, có chữ ký của người nhận học bổng và xác nhận của Ban giám hiệu nhà trường sẽ được lưu thành 2 bản, một bản do nhà trường giữ, một bản do Ban điều hành giữ.
  • Quá trình trao học bổng sẽ do đại diện của Ban điều hành kết hợp với Ban giám hiệu nhà trường trao cho học sinh được nhận học bổng, dưới sự chứng kiến của đông đảo học sinh trong trường (trong lễ chào cờ, tại lớp học…)

Điều 7. Trách nhiệm, quyền hạn của Trưởng ban liên lạc

Việc thu chi được quản lý bởi ban điều hành quỹ, mọi hoạt động thu/chi phải có ký nhận của thủ quỹ và chữ ký của trưởng ban điều hành quỹ.

Chi tiết thu/chi được công khai trên trang web: http://www.ndcsa.com.

Điều 8. Nhà tài trợ và các quyền lợi

Ban điều hành quỹ luôn mở rộng cửa chào đón các nhà tài trợ cho quỹ, nhất là các CHS Nguyễn Đức Cảnh thành đạt trong mọi lĩnh vực.

Nhà tài trợ sẽ được ghi vào danh sách các nhà tài trợ (có thể lựa chọn các hình thức công khai về thông tin cá nhân và khoản tiền ủng hộ, hoặc có thể ẩn danh).
Nhà tài trợ sẽ được mời tham gia vào buổi lễ trao học bổng (nếu điều kiện cho phép), tham gia vào các hoạt động của nhà trường.

Nhà tài trợ sẽ được Ban quản trị trang web http://www.ndcsa.com, Ban điều hành quỹ, Ban giám hiệu nhà trường tạo điều kiện giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ của mình tới đông đảo học sinh và cựu học sinh Nguyễn Đức Cảnh.

Dự thảo Quy chế hoạt động của Ban liên lạc Cựu học sinh Trường THPT Nguyễn Đức Cảnh – Thành phố Thái Bình

DỰ THẢO:

QUY CHẾ HOẠT ĐỘNG CỦA BAN LIÊN LẠC CỰU HỌC SINH

TRƯỜNG THPT NGUYỄN ĐỨC CẢNH – THÀNH PHỐ THÁI BÌNH

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi và đối tượng áp dụng

  1. Quy chế này quy định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức và hoạt động của Ban liên lạc cựu học sinh trường PTTH Nguyễn Đức Cảnh
  2. Thành viên Ban liên lạc cựu học sinh; Các thành viên được bầu từ các cựu học sinh Trường PTTH Nguyễn Đức Cảnh là đối tượng áp dụng của Quy chế này.

Điều 2. Mục đích hoạt động

Ban liên lạc Cựu học sinh là tổ chức tập hợp đông đảo các thế hệ học sinh đã học tập tại PTTH Nguyễn Đức Cảnh nhằm mục đích:

  1. Động viên cựu học sinh các thế hệ phát huy truyền thống tốt đẹp của học sinh nhà trường, không ngừng phấn đấu lao động, học tập và công tác tốt, để phát triển sự nghiệp, xây dựng cuộc sống hạnh phúc, góp phần vun đắp cho sự phát triển lớn mạnh của nhà trường và xã hội
  2. Tạo điều kiện để cựu học sinh với nhau, cựu học sinh với cán bộ và giáo viên đã và đang dạy tại trường, cựu học sinh với các học sinh đang học gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ thông tin, tương trợ giúp đỡ nhau trong học tập, công tác và cuộc sống
  3. Tiến hành các hoạt động nhằm giúp đỡ về vật chất cho các học sinh có hoàn cảnh khó khăn đang học tập tại trường; Định hướng nghề nghiệp, tương lai cho các học sinh đang học
  4. Làm cầu nối để các thế hệ cựu học sinh đóng góp những kiến thức, kinh nghiệm quý báu của mình, giúp nhà trường xây dựng và phát triển hoạt động đào tạo, củng cố thương hiệu

Điều 3. Nguyên tắc hoạt động

Ban liên lạc cựu học sinh hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, tự quản dân chủ và đoàn kết tương trợ lẫn nhau vì mục tiêu chung.

Chương II

CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, CƠ CẤU TỔ CHỨC

VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA BAN LIÊN LẠC

 

Điều 4: Chức năng của Ban liên lạc

Đại diện cho toàn bộ Cựu học sinh trường THPT Nguyễn Đức Cảnh; chỉ đạo điều hành tất cả các hoạt động liên quan đến Cựu học sinh; là đầu mối trong quan hệ giữa Cựu học sinh và nhà trường; ban phụ huynh và các tổ chức xã hội khác.

Điều 5. Nhiệm vụ của Ban liên lạc

Ban liên lạc cựu học sinh có các nhiệm vụ sau:

  1. Tổ chức đón tiếp các đoàn hoặc cá nhân cựu học sinh của các lớp về thăm hoặc làm việc với trường
  2. Tổ chức các diễn đàn trao đổi kinh nghiệm nghề nghiệp, hoạt động giao lưu văn hoá, văn nghệ, thể thao, các buổi sinh hoạt … cho cựu học sinh nhằm tạo sự đoàn kết, gắn bó các thế hệ học sinh
  3. Vận động tài trợ từ cựu học sinh để duy trì nguồn tài chính cho quỹ học bổng khuyến học
  4. Tổ chức các hoạt động để cựu học sinh thành đạt về trường giao lưu, tư vấn và định hướng nghề nghiệp cho học sinh đang học tại trường
  5. Tổ chức Hội nghị đại biểu cựu học sinh Trường THPT Nguyễn Đức Cảnh theo định kỳ 5 năm/1 lần để tổng kết và đề ra phương hướng hoạt động, bầu thường trực Ban liên lạc nhiệm kỳ mới, sửa đổi bổ sung quy chế hoạt động của Ban
  6. Kết hợp cùng với nhà trường tổ chức các ngày lễ lớn của trường (khi được mời)

 

Điều 6. Cơ cấu tổ chức của Ban liên lạc cựu học sinh

  1. Cơ cấu tổ chức của Ban liên lạc cựu học sinh gồm 01 Trưởng ban, 03 phó ban, 01 thủ quỹ, trưởng đại diện các khóa và các thành viên khác của Ban liên lạc.
  2. Thành viên cựu học sinh bao gồm những học sinh đã từng học tại nhà trường tự nguyện tham gia và tán thành Quy chế tổ chức hoạt động của Ban liên lạc
  3. Thành viên trong Ban liên lạc Cựu học sinh do các cựu học sinh bầu ra theo Hội nghị cựu học sinh.

 

Chương III

TRÁCH NHIỆM, QUYỀN HẠN CỦA CÁC THÀNH VIÊN

TRONG BAN LIÊN LẠC

 

Điều 7. Trách nhiệm, quyền hạn của Trưởng ban liên lạc

Trưởng ban liên lạc do Hội nghị đại biểu của các cựu học sinh bầu chọn trong các kỳ đại hội Đại biểu 5 năm một lần.

Trưởng ban liên lạc điều hành hoạt động của ban liên lạc, chỉ đạo việc thực hiện kế hoạch hoạt động, làm đầu mối liên hệ với Ban Giám hiệu nhà trường.

Điều 8. Trách nhiệm, quyền hạn của Phó trưởng ban liên lạc, thủ quỹ

Các phó trưởng ban liên lạc do Hội nghị đại biểu của các cựu học sinh bầu chọn trong các kỳ đại hội Đại biểu 5 năm một lần.

  1. Phó trưởng truyền thông: Phụ trách phát triển thành viên của Ban và thông tin, truyền thông về hoạt động của Ban liên lạc trên website của cựu học sinh (ndcsa.com) và Facebook…..
  2. Phó trưởng ban tài chính: Phụ trách công tác vận động và tiếp nhận tài trợ, quản lý và đề xuất sử dụng nguồn tài chính cho hoạt động của Ban
  3. Phó trưởng ban phong trào: Phụ trách tổ chức các hoạt động phong trào theo kế hoạch hoạt động của Ban.
  4. Thủ quỹ của Ban liên lạc: Thực hiện nhiệm vụ ghi chép hồ sơ, sổ sách hoạt tài chính và theo dõi thu chi tài chính của Ban.
  5. Trách nhiệm của các thành viên khác trong Ban liên lạc: Góp ý kiến xây dựng và thực hiện triển khai các kế hoạch chỉ đạo điều hành của Ban liên lạc; Triển khai thực hiện tới cựu học sinh của khóa mình.

Chương IV

CHẾ ĐỘ SINH HOẠT, HỘI HỌP

VÀ TÀI CHÍNH CỦA BAN LIÊN LẠC

Điều 9. Chế độ thông tin, sinh hoạt, hội họp của Ban liên lạc

  1. Nhiệm kỳ hoạt động của Ban liên lạc là 5 năm, hết nhiệm kỳ sẽ tổ chức Đại hội cựu học sinh để bầu Ban liên lạc mới.
  2. Các thành viên Ban liên lạc cựu học sinh trao đổi và tiếp nhận thông tin qua website của cựu học sinh (ndsa.com), Facebook, qua điện thoại, thư điện tử
  3. Các thành viên Ban liên lạc cựu học sinh họp mặt 6 tháng một lần và họp đột xuất khi có yêu cầu; Các cuộc họp đều phải có Nghị quyết / Biên bản ghi chép nội dung.

Điều 10. Tài chính của Ban liên lạc cựu học sinh

  1. Tài chính cho hoạt động của Ban liên lạc từ nguồn do các cựu học sinh tự nguyện đóng góp và nguồn tài trợ hợp pháp của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp do Ban liên lạc vận động tài trợ.
  2. Ban liên lạc sử dụng kinh phí đúng mục đích, tuân thủ các quy định về tài chính của Nhà nước và quy định của Ban liên lạc cựu học sinh
  3. Trưởng ban liên lạc cựu học sinh được quyền quản lý và phân phối chi tiêu theo kế hoạch tài chính đã được các Hội nghị đại biểu cựu học sinh phê duyệt, việc chi dùng quỹ tài chính phải trên nguyên tắc công khai, rõ ràng và minh bạch.
  4. Thủ quỹ Ban liên lạc thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo tài chính cho Trưởng ban liên lạc và các cựu học sinh được biết.

Chương V

Điều 11: Sửa đổi, bổ sung quy chế

  1. Trong quá trình thực hiện, nếu cần bổ sung, chỉnh sửa, Ban liên lạc bàn bạc thống nhất quyết định điều chỉnh Quy chế cho phù hợp với thực tiễn hoạt động;
  2. Tại các kỳ Đại hội đại biểu Cựu học sinh, Ban liên lạc nhiệm kỳ mới sẽ xin ý kiến Đại hội về việc sửa đổi, bổ sung Quy chết hoạt động của Ban liên lạc trong nhiệm kỳ mới.

Điều 12:  Hiệu lực thi hành:

Quy chế này gồm 5 chương và 11 điều, đã được Đại hội đại biểu Cựu học sinh thông qua lần thứ nhất vào ngày     tháng     năm 2016 và có hiệu lực thi hành.

 

Hà Nội, ngày    tháng    năm 2016

BAN LIÊN LẠC

Trưởng ban